Dự thảo sửa Nghị định số 65: Muốn gia hạn nợ trái phiếu, doanh nghiệp cần phải được trái chủ đồng ý; Đột phá phát triển vùng đồng bằng sông Hồng; Bình Dương sắp triển khai loạt dự án giao thông trọng điểm, tạo động lực thu hút đầu tư; Hơn 1 triệu tỷ đồng tín dụng, trái phiếu bất động sản: Ai cứu, cứu cách nào? Đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 17/02/2023 cùng Rich Nguyen Academy.
1. Dự thảo sửa Nghị định số 65: Muốn gia hạn nợ trái phiếu, doanh nghiệp cần phải được trái chủ đồng ý
Bộ Tài chính cho biết đã có tờ trình Chính phủ ban hành dự thảo sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ vào 6/2/2023. Theo đó, dự thảo mới có một số thay đổi đáng chú ý:
Điểm quan trọng đầu tiên là dự thảo sửa đổi cho phép ngưng hiệu lực thi hành với các quy định ở Nghị định 65 đến hết ngày 31/12/2023, gồm quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân (chưa nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) và rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu từng đợt phát hành.
Bên cạnh ngưng một số quy định thêm 1 năm, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 còn 2 điểm đáng chú ý quan trọng khác:
Thứ nhất, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 quy định doanh nghiệp được thanh toán gốc và lãi trái phiếu bằng tài sản khác. Theo đó, với trái phiếu doanh nghiệp chào bán trong nước, nếu doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc cùng lãi theo phương án đã công bố thì có thể đàm phán với người sử dụng để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, trên cơ sở bảo đảm 3 nguyên tắc:
- Phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan.
- Phải được chủ sở hữu trái phiếu chấp thuận.
- Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường, cũng như chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc và lãi trái phiếu theo quy định pháp luật.
Thứ hai, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu được đàm phán để kéo dài kỳ hạn trái phiếu. Theo đó, nếu kéo dài kỳ hạn của trái phiếu, dự thảo quy định thời gian tối đa không quá 2 năm so với phương án phát hành đã công bố với nhà đầu tư. Với những trái chủ không chấp nhận thay đổi điều kiện và điều khoản của trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm đàm phán bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư.
Trong trường hợp trái chủ vẫn không chấp nhận phương án đàm phán, doanh nghiệp phải trả đầy đủ gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn. Đồng thời phải thực hiện những quyền kèm theo (nếu có) cho trái chủ theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho NĐT.
Bộ Tài chính khẳng định, quy trình tại dự thảo sửa đổi Nghị định 65 phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới. Gồm thực hiện quyết liệt những giải pháp ổn định và tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua các biện pháp linh hoạt, phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Đột phá phát triển vùng đồng bằng sông Hồng
Ngày 12/2/2023, tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị Triển khai chương trình hành động của CP thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 20345 và Xúc tiến đầu tư dưới sự chủ trì của TT Phạm Minh Chính.
Chương trình hành động tập trung phát triển những ngành kinh tế theo Quy hoạch vùng và quy hoạch của các địa phương giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chương trình sẽ đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với những vùng khác trong cả nước; coi liên kết phát triển vùng là một xu thế tất yếu và là động lực kết nối, dẫn dắt sự phát triển; phát triển chuỗi đô thị hiện đại và hệ thống giao thông kết nối giữa các cực tăng trưởng, giao thông liên vùng, giao thông nội vùng và các đầu mối trung tâm kinh tế trên toàn tuyến hành lang kinh tế.
Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng, trọng điểm, thiết yếu, có sức lan tỏa, đặc biệt là phát triển mạng lưới quốc lộ, đường bộ cao tốc, các tuyến vành đai, đường bộ ven biển kết nối liên vùng, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt bảo bảo kết nối vùng, tiểu vùng và kết nối với các vùng khác; tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ gắn liền với thế mạnh, định hướng phát triển của vùng…
Về mục tiêu, chương trình hành động đã xác định 21 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế – xã hội – môi trường phấn đấu đạt tới năm 2030, trong đó có 1 số chỉ tiêu quan trọng như: GDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/ năm, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 9%, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7% và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm,…
Theo đó, Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
- Thứ nhất, công tác quán triệt, tuyên truyền và tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị;
- Thứ 2, hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển, liên kết vùng;
- Thứ 3, phát triển kinh tế vùng;
- Thứ 4, phát triển bền vững hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại;
- Thứ 5, phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
- Thứ 6, phát triển giáo dục – đào tạo và nâng cao đời sống Nhân dân;
- Thứ 7, phát triển văn hóa – xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân;
- Thứ 8, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Thứ 9, đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại;
- Thứ 10, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị.
Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể cùng 20 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng sông Hồng nhằm giúp vùng phát triển đột phá. Đó là dự án xây dựng đường cao tốc, đường thủy, đường sắt có tính kết nối vùng, dự án nâng cấp cảng hàng không, đầu tư xây dựng mới cảng biển trong vùng; phân công cho các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện với lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể.
3. Bình Dương sắp triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, tạo động lực thu hút đầu tư
Bình Dương đang tập trung nghiên cứu và đầu tư các trục giao thông trọng điểm, huyết mạch để tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh gồm cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; các đoạn tuyến vành đai 3,4,… Những năm vừa qua, hạ tầng giao thông tỉnh Bình Dương liên tục được đầu tư phát triển và trở thành lợi thế so sánh quan trọng của tỉnh trong thu hút đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có trên 7.241km đường giao thông, trong đó có 3 tuyến quốc lộ gồm 1K. 1A và 13 dài 77km; các tuyến đường huyện và đường đô thị đã nhựa hóa đạt từ 80 – 94%; 14 tuyến đường tỉnh với chiều dài 449km.
Trước tình hình triển khai những dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cụ thể, với dự án vành đai 4 – thành phố Hồ Chí Minh, tổng chiều dài tuyến đường qua địa bàn địa bàn tỉnh Bình Dương là khoảng 48,3km; bao gồm điểm đầu tuyến là cầu Thủ Biên, điểm cuối tuyến là cầu vượt sông Sài Gòn. Trong đó có 22,64km các đoạn tuyến đã được đầu tư và còn 25,66km đoạn tuyến chưa được đầu tư.
Tỉnh Bình Dương đã lên phương án chia 2 giai đoạn đầu tư cho đoạn tuyến còn lại. Theo đó, giai đoạn 1 là đầu tư theo hình thức PPP, bao gồm giải phóng mặt bằng theo lộ giới quy hoạch, đầu tư xây dựng bốn làn xe cao tốc đầy đủ cùng đường song hành 2 bên. Sau đó, giai đoạn 2 đầu tư hoàn thiện 8 làn xe cao tốc hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Được biết, tổng chiều dài dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành là 68,7km, gồm 2 đoạn tuyến với quy mô sáu làn xe chạy suốt và bốn làn xe đô thị 2 bên. Dự án này được phân kỳ thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 sẽ đầu tư 8,6km cho tuyến đường nối cao tốc từ nút giao Gò Dưa (Vành đai 2) tới nút giao An Phú (vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh) theo quy mô 10 làn xe với nền đường rộng 64m. Giai đoạn 2 đầu tư 61,1km cho tuyến đường cao tốc từ An Phú tới Quốc lộ 14 (Bình Phước) với quy mô 4 làn xe và nền đường rộng 17m.
Dự án sẽ được thực hiện theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 24.274 tỷ đồng (chưa tính lãi vay). Trong đó, vốn Nhà nước tham gia là 12.137 tỷ đồng, vốn NĐT tư nhân là 12.138 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thiện trước năm 2025. Còn dự án đường Mỹ Phước – Tân Vạn, Bộ Giao thông vận tải sẽ cử cơ quan chuyên môn phối hợp với tỉnh Bình Dương cùng triển khai thực hiện về quy mô và phương án đầu tư dự án.
4. Hơn 1 triệu tỷ đồng tín dụng và trái phiếu bất động sản: Ai cứu, cứu cách nào?
Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), riêng dư nợ cho vay đối với bất động sản kinh doanh năm 2022 lên đến 825.000 tỷ đồng, trong đó tập trung lớn nhất vào dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở. Còn theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán HN, tính tới cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu riêng lẻ hiện hữu của doanh nghiệp bất động sản là khoảng 419.000 tỷ đồng.
Do đó, qua 2 kênh trái phiếu và tín dụng, các doanh nghiệp BĐS đang vay đến 1,24 triệu tỷ đồng. Báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, tính tới cuối năm 2022, nợ phải trả của các doanh nghiệp BĐS gấp 4 – 5 lần vốn chủ sở hữu. Trong bối cảnh nguồn vốn bế tắc, các doanh nghiệp BĐS đang trông chờ ngân hàng giải cứu vì đây là kênh bơm vốn khả dĩ nhất trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, tại hội nghị tín dụng BĐS tuần qua, hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp BĐS (giảm điều kiện tiếp cận tín dụng, cơ cấu nợ,…) đã bị ngành ngân hàng từ chối vì lý do an toàn hệ thống.
Tín dụng ngân hàng tham gia giải cứu BĐS là vô cùng cần thiết nhưng chỉ nên tập trung cho các doanh nghiệp quản trị tốt, minh bạch, có khả năng trả nợ. Sau giai đoạn bong bóng bất động sản, thị trường sẽ phải thanh lọc và đương nhiên sẽ có doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường.
Để tín dụng có thể “giải cứu” lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp phải cơ cấu lại phân khúc, tập trung vào những dự án nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực, nhà ở thương mại giá rẻ. Đây là phân khúc có khả năng tiêu thụ tốt và dễ có phương án vay vốn khả thi. Đương nhiên, để làm được điều này, các địa phương cần phải tăng tốc tháo gỡ thủ tục pháp lý và cấp phép dự án mới.
—————-
Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:
- Website: RICH NGUYEN
- Youtube: RICH NGUYEN
- Fanpage: Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen