Mới đây, Bộ Xây dựng đã chính thức công bố Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 8/2024. Theo đó, Việt Nam sẽ có 4 vùng đô thị trên cả nước.
Mục tiêu cơ bản của Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030
Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 20250 là 1 trong 39 quy hoạch ngành quốc gia được định hướng bởi các quy hoạch quốc gia và song song tích hợp với các quy hoạch ngành khác như: quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, Quy hoạch này đã cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia về hệ thống đô thị và nông thôn trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan.
Tại hội nghị công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức vào ngày 3/10/2024, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đã nêu rõ 4 mục tiêu cơ bản của Quy hoạch bao gồm:
– Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển bền vững hệ thống đô thị theo mạng lưới, phát triển, sắp xếp, phân bố hệ thống đô thị, nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển, thân thiện môi trường, góp phần hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực có kiến trúc hiện đại, xanh, bản sắc;
– Hình thành hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị Châu Á – Thái Bình Dương, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế;
– Phát triển nông thôn toàn diện, bền vững gắn với phát triển đô thị, đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng miền; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao;
– Nông thôn có môi trường sống kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị, văn minh, xanh, sạch, đẹp giàu bản sắc văn hóa dân tộc với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận với đô thị.
Quy hoạch 4 vùng đô thị trở thành cực tăng trưởng chủ đạo thời kỳ 2021 – 2030
Theo Quy hoạch mới, hệ thống đô thị sẽ có tỷ lệ đô thị hoá vào năm 2030 là 50%, năm 2050 chỉ tiêu là 70%. Số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 – 1.200 đô thị. Quy hoạch này nhằm định hướng tạo sự liên kết giữa đô thị và nông thôn, lựa chọn một số đô thị lớn trở thành cực tăng trưởng chủ đạo, tạo sự lan tỏa tới các khu vực khác. Trong đó, có 4 vùng đô thị gồm:
– Vùng Thủ đô Hà Nội;
– Vùng Thành phố Hồ Chí Minh;
– Vùng Đà Nẵng;
– Vùng Cần Thơ.
Theo Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, đây là định hướng cho hệ thống đô thị trên cả nước sẽ có vai trò chức năng cũng như sự liên kết trong bối cảnh của các vùng, các hành lang kinh tế. Là kim chỉ nam quan trọng cho 63 tỉnh thành, các hệ thống hạ tầng kết nối, có định vị một cách rõ ràng. Cùng với đó, các tỉnh cần có kế hoạch để triển khai, thực hiện phát triển hệ thống đô thị, đảm bảo theo định hướng mà Quy hoạch này đã nêu ra, phải quan tâm cả đến vùng nông thôn, làm thế nào để vùng nông thôn có thể tiệm cận được với mức sống của vùng đô thị.
Định hướng khai thác tiềm năng 4 vùng đô thị một cách hiệu quả
Liên quan đến việc làm sao để khai thác tiềm năng 4 vùng đô thị một cách hiệu quả, bản Quy hoạch được ban hành cũng định hướng như sau:
Vùng đô thị Hà Nội
Vùng đô thị Hà Nội, gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hoà Bình, Phú Thọ. Vùng này sẽ xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng quốc gia và các đô thị lân cận của các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhằm chia sẻ chức năng về giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thương mại, dịch vụ, du lịch và hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm Hà Nội, phù hợp với hệ sinh thái lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình.
Đồng thời, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, tăng năng lực kết nối nhanh các trục từ Hà Nội đến Hải Phòng, Hạ Long và các đô thị lớn của vùng; Hoàn chỉnh các đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt vành đai phía Đông thành phố, chuẩn bị hạ tầng kết nối và phát triển sân bay thứ hai phía Nam vùng Thủ đô, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội cho cả khu vực phía Bắc; Hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường vành đai 4, vành đai 5 và quốc lộ 18, quốc lộ 5 Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Quảng Ninh.
Vùng đô thị TP.HCM
Vùng đô thị TP.HCM, gồm TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang. Tại đây, sẽ xây dựng và phát triển TP.HCM là cực tăng trưởng quốc gia và các đô thị lân cận của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, nhằm chia sẻ chức năng về dịch vụ, công nghiệp, giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ, hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm TP.HCM, phù hợp với hệ sinh thái lưu vực sông Đồng Nai và sông Mê Kông.
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng các trục kết nối nhanh từ TP.HCM với các đô thị lớn (thành phố Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Vũng Tàu, Tân An, Mỹ Tho – cực tăng trưởng thứ cấp của vùng); Hoàn thành các đường vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt kết nối sân bay, cảng biển cửa ngõ quốc tế, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội cho cả khu vực phía Nam; Hình thành các vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ dọc theo các đường vành đai 3, vành đai 4; Phát triển thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành.
Vùng đô thị Đà Nẵng
Vùng đô thị Đà Nẵng, gồm thành phố Đà Nẵng, Huế và các đô thị lân cận thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Theo Quy hoạch, sẽ phát triển thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế là cực tăng trưởng, động lực quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên; cùng với chuỗi các đô thị động lực của các tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ (thành phố Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn) trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; là một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học, công nghệ của đất nước gắn với hệ sinh thái biển miền Trung; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Song song với đó, sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng khu kinh tế biển, đầu mối kết nối hành lang kinh tế Bắc Nam và Đông – Tây, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Vùng đô thị Cần Thơ
Vùng đô thị Cần Thơ, gồm thành phố Cần Thơ và các đô thị lân cận thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Tại vùng này sẽ xây dựng Cần Thơ là cực tăng trưởng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long; cùng với các đô thị Long Xuyên, Rạch Giá, Vĩnh Long, Cao Lãnh, trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao của cả vùng gắn với hệ sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, khai thác trục giao thông kết nối Cần Thơ – Mỹ Thuận – Trung Lương – TP.HCM và Châu Đốc – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng để tập trung phát triển đô thị, tạo sự lan tỏa tới các khu vực khác trong vùng. Khai thác trục cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi qua Cao Lãnh, Mỹ An (Đồng Tháp) – Đức Hòa (Long An) song song với tuyến Cần Giờ – Mỹ Thuận – Trung Lương – TP.HCM để tập trung phát triển đô thị, tăng cường liên kết phát triển kinh tế – xã hội trong vùng với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; Đảm bảo việc phát triển các đô thị Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long thành điểm hội tụ của các hành lang phát triển trên hành lang vận tải quan trọng của vùng.
Mọi thắc mắc hoặc muốn nhận tư vấn chi tiết đầu tư bất động sản sinh lời cao từ diễn giả Rich Nguyen, Quý độc giả vui lòng liên hệ:
RICH NGUYEN ACADEMY
Địa chỉ: Tòa C5 D’capitale, số 119 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 1900 999979
Email: info.richnguyen@gmail.com
Website: https://rna.richnguyen.vn/
Facebook: Rich Nguyen Academy