Hà Nội: Diễn biến “lạ” của thị trường bất động sản ven Vành đai 4; Bắc Ninh chi gần 2.800 tỷ làm đường song hành thuộc dự án Vành đai 4; Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có thêm thành phố; Nhiều căn nhà tại phố cổ Hội An “bất ngờ” được rao bán, nhắc tới mức giá ai cũng phải “ngỡ ngàng”; Đấu giá lô đất vùng ven Hà Nội với giá khởi điểm chục tỷ gây “choáng”; Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng “vướng mắc lớn nhất là chưa có dự án để cho vay”. Đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 05/05/2023 cùng Rich Nguyen Academy.
1. Hà Nội: Diễn biến “lạ” của thị trường bất động sản ven Vành đai 4
Những năm qua, mỗi khi có thông tin mới về khu vực được quy hoạch hạ tầng và xây dựng đường,… thị trường BĐS xung quanh đều diễn biến sôi động. Thế nhưng, hiện nay thị trường bất động sản vẫn đang khó khăn, theo đó những khu vực đất nền quanh đường Vành đai 4 vẫn khá im lìm, thậm chí là chủ đất phải giảm giá sâu mới có thanh khoản.
Hơn 1 năm trước, thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đã khiến thị trường bất động sản ven khu vực quy hoạch diễn biến sôi động. Theo đó, rất nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn các khu vực như Thường Tín, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Oai,… là những nơi để xuống tiền.
Tuy nhiên, với diễn biến trầm lắng của thị trường BĐS chung, đất nền ven khu vực Vành đai 4 dần chững lại và có xu thế điều chỉnh giá. Đến tháng 6 năm 2022, Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô, giá đất men theo tuyến đường này cũng không “nóng” trở lại.
Mới đây, Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, dự kiến dự án đường Vành đai 4 sẽ khởi công vào tháng 6/2023. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá đất ven Vành đai 4 vẫn chưa có sự khởi sắc, thậm chí là đi xuống.
Theo ghi nhận, giá đất tại những khu vực này đã giảm khoảng 10 – 15%, một số mảnh đất nằm ở vị trí không thuận tiện giá có thể giảm từ 20 – 25% so với giữa năm ngoái. Thực tế, trong thời gian qua, giá nhà đất ven Vành đai 4 đã liên tục tăng mạnh.
Đến nay, thị trường bất động sản gặp khó buộc nhiều nhà đầu tư phải rao bán để thu tiền về. Tuy nhiên, lãi suất hiện nay vẫn neo cao, một bộ phận người mua nhà vẫn đang trong trạng thái chờ đợi nên chủ đất phải giảm giá sâu mới có thanh khoản.
2. Bắc Ninh chi gần 2.800 tỷ làm đường song hành thuộc dự án Vành đai 4
Bắc Ninh dự kiến sẽ chi gần 2.800 tỷ đồng để triển khai đường song hành địa phận Bắc Ninh thuộc Dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa có quyết định 538 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2.3: Xây dựng đường song hành địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.
Tổng chiều dài dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là 112,8km. Tổng mức đầu tư là hơn 85.800 tỷ đồng, đi qua 3 tỉnh và thành phố bao gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần và vận hành độc lập.
Theo đó, đoạn đường song hành vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua tỉnh Bắc Ninh có chiều dài trung bình khoảng 23,5 km, trong đó đường song hành trái dài khoảng 22,2 km, không gồm đoạn đi trùng với tuyến số 5 của KCN Thuận Thành 1 do Tổng công ty VIGLACERA làm chủ đầu tư; đường song hành phải dài khoảng 24,8 Km.
Dự án còn một đoạn tuyến nối giữa Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội với cao tốc Nội Bài – Hạ Long: chiều dài trung bình là khoảng 7,105 km (đường song hành trái dài khoảng 6,64 km, đường song hành phải dài khoảng 7,57 km).
Dự án được thiết kế dựa theo tiêu chuẩn đường song hành, loại đường phố chính chủ yếu và được thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế đạt 60-80 km/h; mặt cắt ngang phần đường (phân kỳ đầu tư giai đoạn 1) có chiều rộng 12m, mặt cắt cầu có chiều rộng 15,5 m.
Tổng đầu tư dự án là 2.794 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Bắc Ninh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thời kỳ 2021 – 2025 và 2026 – 2030. Dự án này được triển khai từ năm 2022, căn bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ 2027.
3. Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có thêm thành phố
Mới đây, Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có báo cáo về chủ trương xây dựng đề án thành lập TP Phú Mỹ và các phường trực thuộc. Theo đó, căn cứ vào tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh, thị xã Phú Mỹ đạt 11/11 tiêu chuẩn thành lập TP Phú Mỹ và xã Tân Hải, Tân Hòa, Tóc Tiên đạt 17/17 tiêu chuẩn thành lập phường.
Việc thành lập TP Phú Mỹ và các phường trực thuộc dựa trên cơ sở nguyên trạng các đơn vị hành chính cấp huyện, xã hiện hữu là thích hợp với quy định hiện nay. Bảo đảm đúng quy hoạch đã được phê duyệt theo quyết định 1113/QĐ-TTg ngày 9/7/2013 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2030 và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Sở Nội vụ phối hợp với thị xã Phú Mỹ tiếp tục hoàn thiện báo cáo để báo cáo Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh; trong đó lưu ý rà soát lại số liệu ba xã Tân Hải, Tân Hòa, Tóc Tiên, đặt ra lộ trình và kế hoạch thời gian rõ ràng.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ có vị trí đặc biệt quan trọng, là trung tâm dịch vụ cảng, công nghiệp, là đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vai trò chiến lược, được định hướng phát triển năm mũi nhọn kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm công nghiệp, dịch vụ hậu cần cảng, cảng biển, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, việc xây dựng đề án thành lập TP Phú Mỹ là tiền đề để thị xã tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo tiêu chí cao hơn, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị và phát triển kinh tế xã hội tương ứng với vị thế, tiềm năng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, cảng, du lịch và là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
XEM FULL ĐIỂM TIN BẤT ĐỘNG SẢN NGÀY 05/05/2023 CÙNG RICH NGUYEN TẠI ĐÂY:
4. Nhiều căn nhà tại phố cổ Hội An “bất ngờ” được rao bán, nhắc tới mức giá ai cũng phải “ngỡ ngàng”
Tại phố cổ Hội An, trên các con đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú,… xuất hiện nhiều tấm bảng thông báo “bán nhà” kèm theo số điện thoại liên hệ. Tuy nhiên, khi được thông báo về giá bán, nhiều người phải “ngỡ ngàng”.
Đơn cử, 1 căn nhà tại đường Bạch Đằng gần với chùa Cầu diện tích 102m2 được rao bán với mức giá 60 tỷ đồng, tương đương với gần 600 triệu đồng/m2. Theo người bán, căn nhà nằm ở vị trí đắc địa và không có căn thứ hai.
Một căn nhà khác được giới thiệu là nằm ở vị trí sầm uất nhất trên đường Trần Phú với diện tích 95m2, đang được rao bán với giá 40 tỷ đồng, tương đương 420 triệu đồng/m2. Theo người bán, chủ nhà đang cần tiền nên bán. Nếu thiện chí mua có thể thương lượng thêm về giá bán. Sau khi hoàn tất mua bán căn nhà này có thể cho thuê được ngay.
Cũng trên đường Trần Phú, 1 căn nhà cổ lâu đời nằm ở lô góc diện tích 80m2 cũng đang được rao bán với giá 38 tỷ đồng, tương đương 475 triệu đồng/m2. 1 căn nhà trên đường Nguyễn Thái Học với diện tích 90m2 đang được rao bán với giá 32 tỷ đồng, tương đương 355 triệu đồng/m2. Theo người bán, căn nhà phù hợp để kinh doanh thời trang, đồ lưu niệm hoặc mở nhà hàng.
5. Đấu giá lô đất vùng ven Hà Nội với giá khởi điểm chục tỷ gây ‘choáng’
Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 Quốc gia đã ra thông báo đấu giá đất của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Ba Vì, với quyền sử dụng của 18 thửa đất tại khu đồng Đành, thôn Thanh Lũng, xã Tiên Phong và 22 thửa đất tại lô đất ký hiệu TT3, khu tái định cư ở thôn Cẩm Phương, xã Tản Lĩnh.
Theo đó, diện tích của các thửa đất là từ 114 – 252 m2/thửa, mức khởi điểm đấu giá của 40 thửa là từ 10,1 – 35,1 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, lô đất có giá khởi điểm cao nhất đạt gần 9 tỷ đồng với diện tích 252m2 và lô đất thấp nhất là 1,7 tỷ đồng. Các thửa đất có mục đích sử dụng để làm đất ở nông thôn có thời hạn sử dụng lâu dài.
Hình thức và phương thức đấu giá đất là bỏ phiếu kín trực tiếp ở cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên. Thời gian tổ chức buổi đấu giá đất là ngày 8/5 tại hội trường Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì.
Gần đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì và Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cũng có thông báo mời đấu giá tài sản 9 thửa đất xen kẽ nhỏ lẻ tại xã Ngọc Hồi, Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Những thửa đất có diện tích từ 55 – 78,9 m2/thửa có giá khởi điểm từ 35 – 71,6 triệu đồng/m2. Buổi đấu giá sẽ được tổ chức ngày 12/5, dự kiến tại hội trường Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì.
Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cũng đã đưa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh. Cụ thể, quyền sử dụng 41 thửa đất để xây dựng nhà ở tại X8 thôn Hà Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh (đợt 1,2). Những thửa đất có diện tích từ 90 – 133 m2/thửa có giá khởi điểm từ 20,8 – 25,3 triệu đồng/m2. Cuộc đấu giá đợt 1 sẽ được tổ chức lúc 8h30 ngày 13/5; đợt 2 vào ngày 20/5 tại hội trường Trung tâm Chính trị huyện Đông Anh.
6. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: ‘Vướng mắc lớn nhất là chưa có dự án để cho vay’
Tại cuộc họp tín dụng gần đây, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, điều kiện vay vốn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ không có vướng mắc gì. Ngân hàng Nhà nước đề nghị 4 ngân hàng quốc doanh (BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank) tuyên truyền về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này.
Ông Tú nói: “Ngân hàng làm được dự án nào phải công bố ngay. Nếu có gì phát sinh, các ngân hàng phải báo cáo lên. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng khác tham gia gói hỗ trợ này”.
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank – Bà Phùng Thị Bình cho biết, vướng mắc lớn nhất với gói 120.000 tỷ đồng chính là việc chưa có dự án để cho vay.
Cùng ý kiến, Tổng Giám đốc BIDV – ông Lê Ngọc Lâm thông tin, về gói 120.000 tỷ đồng, ngân hàng đã triển khai đến các chi nhánh, nhưng hiện Bộ Xây dựng giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh công bố danh mục dự án, dựa trên cơ sở đó mới tiếp cận để triển khai cho vay nên quá trình không thể nhanh được, cần phải có thêm nhiều thời gian.
Ông Lê Ngọc Lâm khẳng định “Hiện tại các ngân hàng rất muốn cho vay nhưng các dự án đều vướng mắc nên các ngân hàng gặp khó khăn, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm như thời gian qua”.
Trong khi đó, đại diện VietinBank cho biết, về gói 120.000 tỷ đồng, các ngân hàng đã hết sức trách nhiệm nhưng sự đồng hành của các bên chưa kịp. Vậy nên phải chờ cùng nhịp bước mới có thể triển khai.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, ngành ngân hàng có rất nhiều giải pháp với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhưng vẫn đang vướng mắc ở các bộ, ngành, địa phương. Do đó cần phải có giải pháp từ các bộ, ngành và địa phương, để đẩy nhanh tiến độ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh “Chúng tôi đã thống nhất giảm mặt bằng lãi suất, vậy làm sao cần có sự đồng thuận chung, thậm chí tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi suất đầu ra hỗ trợ doanh nghiệp”.
—————-
Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:
- Website: RICH NGUYEN
- Youtube: RICH NGUYEN
- Fanpage: Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen