Home Tin tức thị trường

Tin tức thị trường

Điểm tin bất động sản ngày 20/1/2023 cùng Rich Nguyen

Các ngân hàng vẫn lo ngại rủi ro tín dụng với lĩnh vực bất động sản; Bất động sản nhà ở thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận dự báo hồi phục nhẹ từ quý 3 năm 2023; Thị trường bđs 2023 hướng về nhu cầu thật; Đi ngược dòng biến động thị trường, một phân khúc bđs được dự báo “sống khỏe” năm 2023; Loạt hành vi liên quan đến lĩnh vực đất đai sắp bị nghiêm cấm là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 20/1/2023 cùng Rich Nguyen.

1. Các ngân hàng vẫn lo ngại rủi ro tín dụng với lĩnh vực bất động sản

Dự báo nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2023 và cả năm 2023 với mọi lĩnh vực, loại tiền, đối tượng và kỳ hạn; trong đó dự báo nhu cầu tín dụng ngắn hạn sẽ “tăng” cao hơn tín dụng trung và dài hạn; nhu cầu vay vốn VND sẽ cao hơn ngoại tệ”. Trong các lĩnh vực cho vay, có năm lĩnh vực được đánh giá là có nhu cầu tín dụng tăng nhiều nhất năm 2022 là kinh doanh xuất; nhập khẩu; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Đầu tư ngành dịch vụ logistics; Mua nhà để ở; Đầu tư ngành vận tải, kho bãi. Đáng chú ý là nhu cầu tín dụng đầu tư và kinh doanh du lịch được đánh giá là đã hồi phục mạnh trở lại trong năm 2022.

Các ngân hàng vẫn lo ngại rủi ro tín dụng với lĩnh vực bất động sản
Các ngân hàng vẫn lo ngại rủi ro tín dụng với lĩnh vực bất động sản

Báo cáo cũng cho biết, các tổ chức đánh giá rủi ro tín dụng với các khoản vay ngắn hạn có tốc độ tăng chậm hơn so với các khoản vay trung và dài hạn. Dự báo 6 tháng sắp tới và cả năm 2023, các tổ chức tín dụng quan ngại rằng, mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể có thể tiếp tục tăng nhẹ ở phần lớn các lĩnh vực, ngoại trừ một số lĩnh vực cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao; cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản; cho vay công nghiệp chế biến chế tạo; cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ được kỳ vọng rủi ro giảm. 

Trên thực tế, trong sáu tháng đầu năm 2023, dự kiến có 67,3 – 71,3% tổ chức tín dụng dự kiến “không đổi”, 10 – 12,6% tổ chức tín dụng dự kiến “nới lỏng” và 16,1 – 21,7% tổ chức tín dụng dự kiến “thắt chặt” các điều khoản, điều kiện cho vay tổng thể tương ứng với nhóm khách hàng doanh nghiệp (chủ yếu “thắt chặt” với lĩnh vực cho vay kinh doanh, đầu tư bất động sản và cho vay kinh doanh chứng khoán) cùng nhóm khách hàng cá nhân.

2. Bất động sản nhà ở thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận dự báo hồi phục nhẹ từ quý 3/2023

Năm 2022, thị trường bđs nhà ở thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận ghi nhận mặt bằng giá tăng nhẹ trong 2 quý đầu năm, sau đó suy giảm vào nửa cuối năm 2022. Sang năm 2023, dự báo thị trường bất động sản có những phục hồi nhất định từ quý 3/2023 với mức độ tích cực tùy vào từng phân khúc.

Năm 2022, ở phân khúc đất nền đón nhận 45 dự án với nguồn cung là khoảng 6.806 sản phẩm, tăng 9% so với năm trước. Lượng tiêu thụ đạt 4.582 nền, xấp xỉ khoảng 67% tổng nguồn cung mở bán mới, giảm 2% so với năm trước. Phân khúc đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực và tập trung chủ yếu ở Bình Dương, Long An khi chiếm 74,5% nguồn cung toàn thị trường.

Bất động sản nhà ở thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận dự báo hồi phục nhẹ từ quý 3/2023
Bất động sản nhà ở thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận dự báo hồi phục nhẹ từ quý 3/2023

Mặt bằng giá bất động sản ở thị trường sơ cấp không có nhiều sự biến động và duy trì xu hướng đi ngang trong năm. Thế nhưng, thị trường thứ cấp lại ghi nhận thanh khoản giảm mạnh vào 6 tháng cuối năm 2022, mặt bằng giá bán bất động sản giảm trung bình 12 – 20% so với năm 2021.

3. Thị trường bđs 2023 hướng về nhu cầu thật

Sự khó khăn chồng chất của các doanh nghiệp bất động sản được nêu rõ trong báo cáo của VARS: “Trong khoảng 2 năm qua, có hàng nghìn dự án đã được các doanh nghiệp bđs triển khai và đầu tư trên cả nước phải dừng lại để xem xét sự phù hợp về pháp lý với tổng giá trị ước tính đạt khoảng 30 tỷ USD. Sự việc này làm giảm nguồn cung và làm nghiêm trọng hơn tình hình đóng băng tạm thời của thị trường bất động sản. Hơn nữa, thị trường tiền tệ bị thắt chặt, chính sách với thị trường tài chính chưa ổn định, tạo dòng tiền khó và làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Thanh khoản yếu và dòng tiền thu hồi khó làm tắc mạch thị trường”.

Thị trường bđs 2023 hướng về nhu cầu thật
Thị trường bđs 2023 hướng về nhu cầu thật

Tính chung năm 2022, không có dự án nhà ở mới nào được phê duyệt mà chỉ có một ít dự án về dịch vụ. Thị trường bất động sản cũng thiếu vắng các sản phẩm nhà ở phù hợp với khả năng tài chính của số đông người dân. Nguồn cung toàn thị trường bất động sản đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng 28% so với thời điểm năm 2018. Trong đó, thị trường đất nền chiếm 44%, căn hộ trung cấp chiếm 15%, căn hộ cao cấp chiếm 37% và căn hộ bình dân chiếm tỷ trọng thấp nhất với 4%. Tỷ lệ tiêu thụ chung của toàn thị trường bất động sản đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch, bằng 69% so với lượng tiêu thụ cả năm 2021 và bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018.

Thị trường bất động sản 2023 sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ hơn và chỉ các dự án đáp ứng nhu cầu thực, có đầy đủ pháp lý mới được chào bán, được khách hàng mới quan tâm xuống tiền. Điều này giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ sản phẩm để có đầu ra, thay đổi chính mình và tạo mục tiêu kế hoạch rõ ràng. Bên cạnh việc làm nhà ở người giàu, cũng cần chú trọng tạo nơi an cư lập nghiệp cho những người có thu nhập trung bình, khai phá và làm đẹp hơn cho các vùng đất mới.

4. Đi ngược dòng biến động thị trường, một phân khúc bđs được dự báo “sống khỏe” năm 2023

Mới đây, theo báo cáo từ đơn vị nghiên cứu thị trường, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng sóng bất động sản công nghiệp vẫn có nhiều triển vọng trong năm 2023 khi tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp lớn, giá thuê tăng. Bất chấp khó khăn của nền kinh tế, nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam được duy trì ổn định, góp phần tạo lực đẩy cho bđs công nghiệp.

Đi ngược dòng biến động thị trường, một phân khúc bđs được dự báo “sống khỏe” năm 2023
Đi ngược dòng biến động thị trường, một phân khúc bđs được dự báo “sống khỏe” năm 2023

Trong đó, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra được đánh giá là một động lực tăng trưởng tốt. Các chính sách thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam cũng giúp thu hút nhà đầu tư bằng cách đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm đầu hoạt động, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm năm tiếp theo và các chương trình ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp khác.

Hơn nữa, giá cho thuê đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các quốc gia ASEAN, cụ thể là thấp hơn khoảng 30 – 36% so với Indonesia và Thái Lan. Một báo cáo của Colliers đã ghi nhận, ở các trung tâm khu công nghiệp như Tangerang, Bogor – Sukabumi và Bekasi của Indonesia, giá đất trung bình dao động khoảng 164 USD/m2/ chu kỳ thuê, cao hơn 36% giá đất ở các trung tâm khu công nghiệp tại Việt Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh.

5. Loạt hành vi liên quan tới lĩnh vực đất đai sắp bị nghiêm cấm

Tại dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã đề xuất 13 hành vi bị nghiêm cấm liên quan tới lĩnh vực đất đai. Bên cạnh những nội dung kế thừa Luật đất đai năm 2013, Luật đất đai sửa đổi đã đề xuất bổ sung thêm các hành vi nghiêm cấm bao gồm phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai; không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; sử dụng Quỹ phát triển đất không đúng mục đích tại khoản 9, 12, 13 Điều 12 dự thảo Luật. Cụ thể, theo dự thảo Luật đất đai sửa đổi, 13 hành vi bị nghiêm cấm về đất đai được đề xuất như sau:

Loạt hành vi liên quan tới lĩnh vực đất đai sắp bị nghiêm cấm
Loạt hành vi liên quan tới lĩnh vực đất đai sắp bị nghiêm cấm
  • Thứ nhất: Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
  • Thứ hai, thực hiện không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
  • Thứ ba, không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích.
  • Thứ tư, không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
  • Thứ năm, nhận chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.
  • Thứ sáu, sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Thứ bảy, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
  • Thứ tám, làm trái quy định về quản lý, sử dụng đất đai.
  • Thứ chín, không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
  • Thứ mười, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
  • Mười một, cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
  • Mười hai, phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai.
  • Mười ba, sử dụng Quỹ phát triển đất không đúng mục đích.

—————-

Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị: