Home Tin tức thị trường

Tin tức thị trường

Điểm tin bất động sản ngày 21/04/2023 cùng Rich Nguyen Academy

Chính phủ yêu cầu lên danh mục dự án, đối tượng vay gói 120.000 tỷ đồng; Lập đề xuất đầu tư 8 dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ khu vực phía Bắc; 700 dự án chậm triển khai, Hà Nội xử lý như thế nào?; Hòa Bình khuyến cáo người dân không mua bất động sản một số dự án; Lâm Đồng tính đấu giá nhiều ‘đất vàng’ Đà Lạt, lấy tiền làm cao tốc; Bộ Xây dựng thoái vốn loạt công ty lớn, ngân sách thu về bao nhiêu? Đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 21/04/2023 cùng Rich Nguyen Academy.

1. Chính phủ yêu cầu lên danh mục dự án, đối tượng vay gói 120.000 tỷ đồng

Mới đây, kết luận tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng về giải quyết tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao Bộ Xây dựng, Tổ công tác đã thực hiện khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng trong việc rà soát, kiểm tra từng vấn đề vướng mắc ở năm thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 500 dự án BĐS.

Tổ công tác đã tiếp nhận và tổng hợp vướng mắc của các doanh nghiệp, các hiệp hội gửi trực tiếp tới Tổ công tác, bước đầu đã có hướng dẫn các doanh nghiệp, địa phương giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền.

Liên quan tới Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì xác định đối tượng, danh mục dự án, điều kiện và tiêu chí được thụ hưởng. Đồng thời làm cơ sở để các địa phương xác định và công bố các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, bảo đảm minh bạch, công khai, đúng quy định.

Chính phủ yêu cầu lên danh mục dự án, đối tượng vay gói 120.000 tỷ đồng
Chính phủ yêu cầu lên danh mục dự án, đối tượng vay gói 120.000 tỷ đồng

Bộ Xây dựng được yêu cầu xây dựng các tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc BĐS dựa vào tiềm năng (du lịch, công nghiệp, dịch vụ thương mại), thanh khoản của thị trường để làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xem xét nới lỏng điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với dự án có rủi ro ban hành trong tháng 4.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về việc áp dụng quy hoạch khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN Việt Nam ban hành Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần phát triển hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh trước ngày 25/4.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại căn cứ vào đối tượng, danh mục dự án, điều kiện tiêu chí được hưởng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng theo Nghị quyết 33 để áp dụng điều kiện cho vay,cũng như lập quỹ dự phòng rủi ro, không đánh đồng giữa các doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu NHNN tăng cường kiểm tra, đôn đốc tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thị trường BĐS.

2. Lập đề xuất đầu tư 8 dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ khu vực phía Bắc

Bộ Giao thông vận tải vừa quyết định giao Cục Đường bộ Việt Nam lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án thuộc nhóm B. Thời gian thực hiện là trong năm 2023 – 2024.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư với 8 dự án nâng cấp và cải tạo các tuyến quốc lộ gồm: dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15 đoạn từ Km 0+00 – Km 20+00 (tỉnh Hòa Bình); dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh kết nối giữa cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài – Lào Cai (tỉnh Phú Thọ); dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 12B đoạn qua tỉnh Hòa Bình.

Lập đề xuất đầu tư 8 dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ khu vực phía Bắc
Lập đề xuất đầu tư 8 dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ khu vực phía Bắc

Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa QL10 & ĐH31 và dự án nâng cấp, mở rộng cầu vượt B49 qua cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trên QL10 (thành phố Hải Phòng); dự án nâng cấp QL34 đoạn từ Đèo Mã Phục – tránh thị trấn Trà Lĩnh tới cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Km247 – Km265) và dự án nâng cấp QL4A đoạn từ thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh tới thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng); dự án nâng cấp, mở rộng QL37 đoạn từ Km 77+850 – Km 93+839 (tỉnh Hải Dương).

Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ VN có trách nhiệm tận dụng toàn bộ kết quả đã nghiên cứu (nếu có) để tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để triển khai yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đã có quyết định giao Ban Quản lý dự án 3 lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư những dự án nêu trên, hoàn thành và báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam trong tháng 4/2023.

3. 700 dự án chậm triển khai, Hà Nội xử lý như thế nào?

Trước hiện trạng 700 dự án có dùng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai (với tổng diện tích đất được giao hơn 5.000 ha), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành, địa phương rà soát, phân loại và quyết liệt xử lý tồn tại này. Từng được kỳ vọng là các công trình, dự án, tổ hợp hiện đại, tạo dấu ấn trong kiến trúc đô thị và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô… Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, nhiều dự án bất động sản đang trở thành “điểm đen đô thị”. Có thể kể đến Dự án Sky Garden Towers (phường Định Công, quận Hoàng Mai); Dự án Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City) tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ; Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai…

Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, việc chậm triển khai kết luận giám sát do quy định pháp luật về quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng chưa đồng bộ, còn chồng chéo và chậm được tháo gỡ. Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành của Ủy ban nhân dân thành phố chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của các ngành, cấp trong việc phối hợp đôn đốc, theo dõi và kiểm tra.

700 dự án chậm triển khai, Hà Nội xử lý như thế nào?
700 dự án chậm triển khai, Hà Nội xử lý như thế nào?

Mới đây, trong buổi làm việc với một số quận, huyện, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý 700 dự án vốn ngoài ngân sách có dùng đất chậm triển khai trên địa bàn; kiên quyết chấm dứt, thu hồi và hỗ trợ thu hồi những dự án chậm triển khai, không để hiện trạng chây ỳ kéo dài.

Ông Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu thống kê, phân loại dự án theo quy định, lựa chọn địa phương còn tồn tại nhiều dự án để kiểm tra và rà soát. Trước mắt tập trung kiểm tra và xử lý các dự án lớn chậm triển khai, đồng thời phân cấp, phân rõ trách nhiệm cho từng đơn vị.

XEM FULL ĐIỂM TIN BẤT ĐỘNG SẢN NGÀY 21/04/2023 CÙNG RICH NGUYEN TẠI ĐÂY:

4. Hòa Bình khuyến cáo người dân không mua bất động sản một số dự án

Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình mới có công văn về việc đăng tải thông tin những dự án bất động sản đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn, bán và cảnh báo rủi ro khi mua bán đất nền chưa đủ điều kiện kinh doanh ở các dự án phát triển đô thị, nhà ở trên địa bàn quý I/2023.

Trong danh sách này, có 19 dự án bất động sản đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, ký hợp đồng thực hiện, cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện được chuyển nhượng, huy động vốn và kinh doanh bất động sản. Theo đó, Thành phố Hoà Bình có một số dự án: Khu dân cư Thịnh Lang; Khu dân cư tại phường Thái Bình (Liên danh Công ty TNHH MTV Gia Ngân và CTCP Xây dựng và Thương mại Sơn Tây); Khu dân cư Phương Lâm (CTCP Xây dựng Sao Vàng)…

Danh sách còn có Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc (Liên danh CTCP Đầu tư phát triển Xanh Kỳ Sơn – Công ty CP Tập đoàn Telin); Khu đô thị mới Hòa Bình; Khu nhà ở Hoàng Vân Hòa Bình (Liên danh CTCP Bất động sản Hoàng Vân Hòa Bình – Tập đoàn Landora); Khu đô thị sinh thái cao cấp Yên Quang (Liên danh CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Quốc tế Seika – Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Nam Hà Nội – Vinaconex 39); Khu đô thị mới Sông Đà – Hòa Bình; Khu dân cư đường Trương Hán Siêu (CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Thái Hưng).

Khu nhà ở Thăng Long Xanh (Liên danh Công ty Cổ phần Thăng Long Land, Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng và Công ty Cổ phần Phát triển đô thị An Thịnh); Khu đô thị mới Trung Minh B; dự án Nhà ở xã hội tại phường Hữu Nghị giai đoạn 2 (CTCP Thương mại Dạ Hợp).

Hòa Bình khuyến cáo người dân không mua bất động sản một số dự án
Hòa Bình khuyến cáo người dân không mua bất động sản một số dự án

Ở huyện Lương Sơn có 5 dự án, bao gồm: Làng sinh thái Việt Xanh (Saigonres); Khu nhà ở Suối Sếu (Liên danh CTCP Phúc Nguyên số 1 Việt Nam – Công ty TNHH Thăng Long); Khu nhà ở nghỉ dưỡng và dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Lương Sơn (Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn IUC và Công ty Cổ phần Xây dựng số).

Khu dân cư tại Tiểu khu 1 (Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn IUC và Công ty Cổ phần xây dựng số 7); Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn (Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Reenco Hòa Bình, Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng và Công ty Cổ phần Phát triển đô thị An Thịnh ).

Để tránh rủi ro trong giao dịch, bảo đảm minh bạch và phát triển lành mạnh ổn định của thị trường bất động sản, không làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tránh tình trạng các cá nhân, tổ chức huy động vốn, bán sản phẩm BĐS trái quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch với bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật.

5. Lâm Đồng tính đấu giá nhiều ‘đất vàng’ Đà Lạt, lấy tiền làm cao tốc

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng có công văn phúc đáp các sở ngành và đơn vị liên quan về phương án tạo nguồn thu của địa phương trong giai đoạn 2021 – 2025, để thực hiện dự án xây cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương, dài khoảng 140km đi qua địa bàn tỉnh. Với công văn trên, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đưa ra kế hoạch bán đấu giá các quỹ đất ở thành phố Đà Lạt, dự kiến thu về hơn 3.100 tỷ đồng để làm 2 tuyến cao tốc.

2 khu đất đưa vào diện dự kiến đấu giá rộng hơn 7.000 m2 ở quảng trường Lâm Viên, thu 342 tỷ đồng; phân khu 150 ha hồ Tuyền Lâm (đất thương mại dịch vụ thời hạn sử dụng 50 năm) 983 tỷ đồng; khu A, B công viên Trần Quốc Toản (26.700 m2) khoảng 1.550 tỷ đồng và khu đất số 7 Phù Đổng Thiên Vương 70,8 tỷ đồng.

Các khu đất và dự án trên đang được thành phố Đà Lạt và Ban quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm lập phương án gửi Sở Tài nguyên & Môi trường thẩm định, trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quyết định đưa ra đấu giá. Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương là 2 đoạn thuộc cao tốc Dầu Giây – Liên Khương với chiều dài hơn 200km. Đoạn Tân Phú – Bảo Lộc dài 66km đi qua tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng.

Lâm Đồng tính đấu giá nhiều 'đất vàng' Đà Lạt, lấy tiền làm cao tốc
Lâm Đồng tính đấu giá nhiều ‘đất vàng’ Đà Lạt, lấy tiền làm cao tốc

Dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công tư với sự góp vốn của nhà nước. Trong đó, vốn Trung ương 2.000 tỷ đồng; ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng, 9.095 tỷ đồng vốn huy động và vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng.

Còn đoạn Bảo Lộc – Liên Khương có chiều dài 74km chạy trên địa bàn Lâm Đồng. Cao tốc này quy mô 4 làn xe, có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 11.300 tỷ đồng, theo phương thức PPP. Trong năm 2023, dự án được bố trí với 506 tỷ đồng. 2 đoạn cao tốc dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

6. Bộ Xây dựng thoái vốn loạt công ty lớn, ngân sách thu về bao nhiêu?

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính dự kiến nguồn thu từ bán vốn nhà nước nộp về ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2021 – 2025. Trong năm 2023, Bộ Xây dựng lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng Công ty CP Sông Hồng; Tổng Công ty Viglacera – CTCP, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp). 

Giai đoạn 2024 – 2025, thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (Lilama) và Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng – CTCP.  Trên cơ sở kế hoạch, Bộ Xây dựng dự kiến giá trị thu về và nộp ngân sách Trung ương tại Lilama là hơn 369 tỷ đồng; Tổng Công ty Cơ khí xây dựng – CTCP hơn 230 tỷ đồng; Tổng Công ty CP Sông Hồng là hơn 132 tỷ đồng; Tổng Công ty Viglacera – CTCP hơn 5.820 tỷ đồng. 

Trong khi đó, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị sẽ hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp trước 31/12/2025. Tỷ lệ vốn nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hoá là từ 50% trở xuống.

Bộ Xây dựng thoái vốn loạt công ty lớn, ngân sách thu về bao nhiêu?
Bộ Xây dựng thoái vốn loạt công ty lớn, ngân sách thu về bao nhiêu?

Theo quyết định Ban hành Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu trong giai đoạn 2022 – 2025, Bộ vẫn duy trì Công ty TNHH MTV (Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) với Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem). 

Theo Bộ Xây dựng, giá trị nguồn thu dự kiến nêu trên chính là giá trị dự kiến thực hiện theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1479 (ngày 29/11/2022) tại thời điểm báo cáo, chưa tính tới điều kiện thị trường không thuận lợi, gặp khó khăn và vướng mắc. 

—————-

Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị: