Home Tin tức thị trường

Tin tức thị trường

Điểm tin bất động sản ngày 28/04/2023 cùng Rich Nguyen Academy

Hà Nội sẽ có thêm 3 tuyến phố đi bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định: Quyết tâm hoàn thành 12.900 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn đến năm 2025; Phú Quốc sẽ thu hồi hơn 3.600ha đất; Loạt dự án bất động sản của Novaland, Hưng Thịnh được gỡ vướng; Ông Lê Thanh Thản và loạt dự án tai tiếng, hàng nghìn căn hộ không sổ hồng. Đây là những nội dung đáng chú ý trong điểm tin bất động sản ngày 28/04/2023 cùng Rich Nguyen Academy.

1. Hà Nội sẽ có thêm 3 tuyến phố đi bộ

UBND quận Đống Đa mới ban hành kế hoạch tổ chức lập đề án các không gian văn hóa, tuyến phố chuyên doanh và phố đi bộ trên địa bàn. Theo kế hoạch, năm nay, quận Đống Đa sẽ lập đề án xây dựng không gian văn hóa và phố đi bộ Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Năm 2024, quận Đống Đa mở thêm tuyến phố đi bộ Hoàng Cầu – Hào Nam, kết hợp với không gian đi bộ hồ Hoàng Cầu, ga Cát Linh – Hà Đông. Cũng trong năm nay, quận Đống Đa sẽ lập đề án để triển khai tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết.

Tương tự, sau khi khai trương phố ẩm thực đi bộ Đảo Ngọc – Ngũ Xã, lãnh đạo quận Ba Đình cũng đang hoàn thiện đề án triển khai khu phố kinh doanh dịch vụ – đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh). Lãnh đạo quận dự kiến sẽ nghiên cứu tuyến phố đi bộ với quy mô 12ha gồm vườn hoa phía đường Nguyễn Chí Thanh và mặt nước hồ Ngọc Khánh. Dự kiến tuyến phố kinh doanh dịch vụ – đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh sẽ được khai trương trong quý 4/2023.

Hà Nội sẽ có thêm 3 tuyến phố đi bộ
Hà Nội sẽ có thêm 3 tuyến phố đi bộ

2. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Quyết tâm hoàn thành 12.900 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn đến năm 2025

UBND tỉnh Bình Định vừa phát đi Thông báo 115/TB-UBND về ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – ông Phạm Anh Tuấn tại cuộc họp về kế hoạch phát triển dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Theo đó, ông Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng, các sở, ngành và địa phương có liên quan quán triệt nội dung, quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn; xác định đây là nhiệm trọng tâm và là khâu đột phá về phát triển kinh tế, an sinh xã hội đến năm 2025.

Về quan điểm, định hướng và mục tiêu, tỉnh Bình Định quyết tâm sẽ hoàn thành khoảng 12.900 căn nhà ở xã hội đến năm 2025, vượt sớm hơn 5 năm theo kế hoạch đã được Thủ tướng giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt tại Quyết định 388/QĐ-TTg ngày 03/4/2023.

Tỉnh Bình Định cũng quản lý tốt, phù hợp về giá cho thuê, thuê mua, giá bán của các dự án nhà ở xã hội; xem xét, quy định cụ thể mức giá bán tối đa trong hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

Bình Định sẽ sớm xây dựng, hoàn thành dự thảo quy định cơ chế hỗ trợ với dự án xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn để trình HĐND tỉnh xem xét và quyết nghị. Trong đó, lưu ý xem xét có hỗ trợ đầu tư những công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối, bên cạnh hàng rào của dự án, hỗ trợ chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Quyết tâm hoàn thành 12.900 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn đến năm 2025
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Quyết tâm hoàn thành 12.900 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn đến năm 2025

3. Phú Quốc sẽ thu hồi hơn 3.600ha đất

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm nay trên địa bàn Phú Quốc. Về diện tích những loại đất được phân bổ, trong năm 2023, thành phố Phú Quốc có 12.326ha đất phi nông nghiệp, 45.495ha đất nông nghiệp và 1.106ha đất chưa sử dụng. 

Trong diện tích đất phi nông nghiệp được phân bổ có 904ha đất ở tại đô thị (thuộc Dương Đông, An Thới) và 1.587ha đất ở tại nông thôn (chủ yếu tại các xã Cửa Dương, Dương Tơ, Cửa Cạn, Bãi Thơm). Trong năm 2023, Phú Quốc sẽ thu hồi 3.640ha đất, hầu hết là đất nông nghiệp với 3.635ha. Chỉ có 5ha đất phi nông nghiệp là thuộc xã đảo Thổ Châu. 

Việc thu hồi đất để thực hiện 103 dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đã được chuyển tiếp từ 2020 – 2022 và 13 dự án đăng ký mới năm 2023. Bên cạnh đó, có 39 dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất để nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng, thuê; cho thuê đất, giao đất và đấu giá quyền sử dụng đất. 

Năm 2023, UBND tỉnh Kiên Giang có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 4.000ha đất tại thành phố Phú Quốc. Cụ thể, chuyển chuyển 9,56ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở và 3.996ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Ngoài ra, 174ha đất phi nông nghiệp chưa sử dụng ở xã Bãi Thơm sẽ được đưa vào để sử dụng với mục đích đất thương mại dịch vụ.

Phú Quốc sẽ thu hồi hơn 3.600ha đất
Phú Quốc sẽ thu hồi hơn 3.600ha đất

4. Loạt dự án bất động sản của Novaland, Hưng Thịnh được gỡ vướng

Tại cuộc họp vào chiều ngày 21/4 với Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Hưng Thịnh đã trình bày những khó khăn đang tồn tại về các vướng mắc pháp lý như cấp Giấy chứng nhận, thủ tục đầu tư,…

Lãnh đạo Sở đã lắng nghe và cùng thảo luận gỡ vướng pháp lý cho 6 dự án được trình bày trong cuộc họp. Theo đó, 2 dự án đã được gỡ nút thắt liên quan đến thủ tục đầu tư. Sở đã ký ban hành 2 văn bản giải quyết cho dự án Vĩnh Tiến và dự án Đất Phương Nam.

Đối với nhóm dự án có kiến nghị liên quan tới cấp Giấy chứng nhận cho cư dân, khách hàng: cuộc họp đã tháo gỡ dứt điểm cho bốn dự án. Qua đó trong quý 2/2023 có thể cấp Chứng nhận cho hơn 2.000 căn hộ, diện tích thương mại với 4 dự án này, gồm Moonlight Boulevard; Moonlight Park View – phần thương mại còn lại; 8X Đầm Sen và 9 View Apartment.

Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra hướng dẫn để doanh nghiệp sớm hoàn thành những bước cần thiết cho các dự án còn lại, qua đó hoàn thiện cấp giấy chứng nhận cho cư dân.

Vào tuần trước, Novaland đã khởi động lại dự án The Grand Manhattan (quận 1, TP.HCM) qua ký kết với ngân hàng TPBank và Ricons. TPBank sẽ hỗ trợ tài chính để bảo đảm dự án tiếp tục thi công sau thời gian tạm ngưng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà, còn Ricons đảm nhiệm vai trò tổng thầu thi công.

Loạt dự án bất động sản của Novaland, Hưng Thịnh được gỡ vướng
Loạt dự án bất động sản của Novaland, Hưng Thịnh được gỡ vướng

Dự kiến, dự án The Grand Manhattan sẽ bàn giao nhà vào quý 4 năm 2024. Tổ hợp căn hộ – thương mại dịch vụ dự án The Grand Manhattan được xây dựng trên diện tích 14.000 m2 ở vị trí 2 mặt tiền Cô Giang – Cô Bắc ngay lõi trung tâm quận 1.

Sau dự án The Grand Manhattan, Novaland đang phối hợp với chính quyền địa phương và nỗ lực đàm phán với đối tác tài chính để sớm đưa những dự án trọng điểm khác vào thi công, hoàn thiện trong khoảng thời gian tới. Trước đó, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lãnh đạo thành phố và các Sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức đã vào cuộc quyết liệt để nỗ lực gỡ vướng pháp lý của 156 dự án bất động sản, khu đô thị, nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố. Bước đầu đã đạt được những kết quả rất tích cực và góp phần tăng cường niềm tin của thị trường BĐS.

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, phần lớn trong số 156 dự án thuộc diện rà soát pháp lý đều có tính chất phức tạp và đã được xử lý qua nhiều thời kỳ. Tuy nhiên vướng nhiều quy định pháp luật vì một số quy định pháp luật thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc do chưa được pháp luật quy định.

5. Ông Lê Thanh Thản và loạt dự án tai tiếng, hàng nghìn căn hộ không sổ hồng

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa ra thông báo về việc truy tố bị can Lê Thanh Thản (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) ra trước Tòa án nhân dân TP Hà Nội để xét xử về tội Lừa dối khách hàng.

Ông Thản thường được gọi là “đại gia điếu cày”, bị truy tố về tội Lừa dối khách hàng vì có sai phạm liên quan đến dự án CT6 Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội).

Tại dự án CT6 Kiến Hưng, ông Thản đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Đối với khối nhà cao tầng đã tăng chiều cao công trình, tăng diện tích xây dựng, thay đổi công năng sử dụng; xây dựng tăng căn hộ và xây thêm tòa nhà CT6C không nằm trong quy hoạch được duyệt. Đối với nhà thấp tầng đã tăng diện tích đất được xây dựng và số căn hộ thấp tầng, vi phạm chỉ giới đường đỏ.

Năm 2016, Thanh tra thành phố Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra toàn diện việc đầu tư, quản lý và sử dụng đất đai tại những dự án nhà ở do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên thuộc Tập đoàn Mường Thanh đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội và phát hiện nhiều vi phạm.

Tập đoàn Mường Thanh đã đầu tư 12 dự án ở Hà Nội. Thanh tra thành phố Hà Nội thanh tra 9 dự án, bao gồm: VP6 Linh Đàm; CT5 Tân Triều; HH1, HH2, HH3, HH4 thuộc ô CC6 khu dịch vụ tổng hợp & nhà ở hồ Linh Đàm; VP5 Linh Đàm, VP3 Linh Đàm và CT6 Kiến Hưng. Ba dự án còn lại đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra, bao gồm dự án CT11, CT12 khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ, quận Hoàng Mai; khu đô thị Xa La; dự án Đại Thanh, huyện Thanh Trì.

Ông Lê Thanh Thản và loạt dự án tai tiếng, hàng nghìn căn hộ không sổ hồng
Ông Lê Thanh Thản và loạt dự án tai tiếng, hàng nghìn căn hộ không sổ hồng

Qua thanh tra, 9 dự án này đều có nhiều vi phạm nghiêm trọng luật Đất đai, luật Đầu tư, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản và luật Quản lý thuế. Đối chiếu quy hoạch chi tiết 1/500 thì 9 dự án có tình trạng vi phạm quy hoạch nghiêm trọng như: tăng diện tích xây dựng khối đế, khối tháp, tầng hầm; tăng chiều cao công trình; chuyển đổi mục đích sử dụng từ văn phòng, dịch vụ thương mại sang căn hộ ở; xây dựng tăng căn hộ với số lượng lớn, có dự án tăng gấp 6 lần so với số căn hộ được phê duyệt.

Không chỉ vi phạm về xây dựng, thanh tra cũng chỉ ra rằng, các dự án không thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án theo quy định; Không tiếp tục hoàn thành thủ tục pháp lý của dự án như: giao đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Chưa nộp đủ nghĩa vụ tiền thuê đất, sử dụng đất; Chưa được cấp phép xây dựng đã khởi công xây dựng công trình;

Công tác phòng cháy chữa cháy không tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật nhưng đã giao dịch bán căn hộ cho người dân vào ở không bảo đảm an toàn cho các hộ dân… Từ đó ảnh hưởng tới quyền lợi của các hộ dân khi mua bất động sản và làm thủ tục xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dễ dẫn đến tranh chấp khiếu kiện phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

—————-

Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị: