Thực trạng khó khăn của thị trường địa ốc nói chung và trái phiếu bất động sản nói riêng đang gây áp lực lên nợ xấu ngân hàng. Thống kê số liệu báo cáo tài chính quý 3 năm 2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tính tới ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu nội bảng đạt gần 129.800 tỷ đồng, tăng khoảng 28,4% so với đợt đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là tổng nợ nhóm 5, có nghĩa là nợ có khả năng mất vốn tính tới cuối tháng 9 tăng mạnh đến 62,5% so với hồi đầu năm, lên gần 72.400 tỷ đồng, chiếm đến 55% tổng nợ xấu so với tỷ trọng 44% đầu năm.
Chất lượng tín dụng trong quý 3 năm 2022 của nhiều ngân hàng đã bị tác động khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên, trong khi đó tỷ lệ dự phòng giảm đi. Nợ xấu tăng 1 phần là do những khoản nợ tái cơ cấu do dịch bệnh đã hết từ tháng 6/2022. Với việc 1 phần dư nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu, tỷ lệ hình nợ xấu tăng nhanh trong quý 3 năm 2022 dù tổng dư nợ tái cơ cấu do dịch bệnh ở các ngân hàng tới cuối tháng 9 đã giảm 58% so với hồi đầu năm và thấp hơn so với giai đoạn bùng phát dịch trước đó.
Bên cạnh đó, điểm đáng lưu ý là ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất cho vay và sự đi xuống của thị trường bất động sản trong thời gian qua chưa phản ánh hết trong kết quả kinh doanh quý 3 năm 2022 của các ngân hàng.
Vậy nợ xấu là gì, được tính như thế nào và tác động gì đến sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng? Trên thực tế, nợ xấu của các ngân hàng hiện nay và liệu thị trường bất động sản có liên quan ra sao? Hãy cùng Rich Nguyen tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết ngày hôm nay: “Nợ xấu gia tăng – Bất động sản có căng thẳng?”
1. Rất nhiều ngân hàng có lợi nhuận giảm và nợ xấu gia tăng
Ngoài điểm sáng là kết quả lợi nhuận của các ngân hàng tăng trưởng lên đến hàng ngàn tỷ đồng, vẫn có rất nhiều ngân hàng có lợi nhuận giảm và nợ xấu gia tăng. Nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đang có xu hướng tăng mạnh khi ngân hàng chuyển dần những khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, nhất là sau khi Thông tư số 14/2021/TT-NHNN liên quan tới cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng vì dịch đã hết hạn vào 30/6/2022 khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.
Do đó, nhiều ngân hàng đã quyết định tăng quỹ dự phòng rủi ro cho vay để sẵn sàng đối mặt với bất ổn trong tương lai. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trích lập dự phòng vẫn chưa tương ứng với tốc độ tăng trưởng nợ xấu. Với các ngân hàng chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với khả năng phí tín dụng gia tăng.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng đa phần đã giảm dần trong 9 tháng năm 2022, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất, đạt đến 279,3%. Ngoài ra, các ngân hàng sẽ phải đối diện với bài toán chất lượng tài sản trong khoảng thời gian tới, trong đó áp lực nợ xấu gia tăng và tăng trích lập dự phòng sẽ tương đối lớn.
Bên cạnh đó, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (sau khi đã loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành) đang lưu hành ở trên thị trường vào khoảng 945.000 tỷ đồng, trong đó 27% sẽ đáo hạn trong năm 2023 – 2024, 12% sẽ đáo hạn trong năm 2025 và gần 1/3 lượng trái phiếu này nằm ở trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Cần phải lưu ý một điều rằng, con số này chưa gồm trái phiếu đã được phân phối cho nhà đầu tư cá nhân nhưng có bảo lãnh thanh toán và những trái phiếu “nằm ngoài” bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng vẫn chịu rủi ro tín dụng liên quan đến trái phiếu theo hợp đồng Repo.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có văn bản 8774/NHNN-TTGSNH yêu cầu các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện quy định về bán tài sản đảm bảo. NHNN lưu ý, các ngân hàng cần phải hạch toán những khoản vay đúng quy định pháp luật; phân loại và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ với những khoản vay chưa thu được nợ gốc; không tất toán khoản vay mà tổ chức tín dụng thực hiện bán tài sản đảm bảo trả chậm nhưng chưa thu được tiền.
Có thể nói rằng, xét trong bối cảnh chung, điều đáng mừng là hầu hết ngân hàng luôn duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, giúp ngân hàng củng cố “bộ đệm” an toàn vốn khi khoản nợ tái cơ cấu hoặc nợ có vấn đề chuyển nhóm nợ xấu và tạo lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng trong tương lai. Thế nhưng, liệu các hoạt động kiểm soát này có mang lại tác động tích cực đến sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng không thì rất khó có thể trả lời. Vậy rủi ro nợ xấu năm 2023 sẽ ra sao? Nhà đầu tư và doanh nghiệp nên làm gì lúc nào?
XEM FULL BÌNH LUẬN ĐIỂM TIN TẠI ĐÂY:
2. Chuyên gia nhận định về câu chuyện Nợ xấu gia tăng – Bất động sản có căng thẳng?
Theo ý kiến của Diễn giả Rich Nguyen cùng các chuyên gia cố vấn tài chính của Rich Invest: Đầu tiên, để các bạn có thể hiểu sâu và rõ hơn về những chia sẻ sau đây, sẽ có một vài khái niệm mà Rich Nguyen muốn các bạn phải hiểu rõ: nợ xấu là gì, tỷ lệ nợ xấu được tính như thế nào, và nó có tác động gì tới sức khỏe tài chính của các hệ thống ngân hàng?
2.1. Nợ xấu là gì?
Nợ xấu được hiểu là những khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi tới hạn phải thanh toán giống như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Theo Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ (trừ những khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng) theo 5 nhóm sau:
- Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn
- Nhóm 2: Nợ cần chú ý
- Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn
- Nhóm 4: Nợ nghi ngờ
- Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn
Trong đó, nợ xấu nội bảng thuộc nhóm 3 đến 5 được xem là nợ xấu.
Trên thực tế, có 2 phương pháp để phân loại 5 nhóm nợ như sau:
- Phương pháp định lượng: Dựa vào số liệu
- Phương pháp định tính: Dựa vào phân tích mang tính chất ý kiến đánh giá của cán bộ tín dụng
Hiểu một cách đơn giản, phương pháp định lượng là xét theo thời gian trả nợ và cơ cấu nợ, cụ thể như sau:
Nếu xét theo thời gian trả nợ:
- Nhóm 1: Khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày;
- Nhóm 2: Khoản nợ quá hạn đến 90 ngày;
- Nhóm 3: Khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày;
- Nhóm 4: Khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;
- Nhóm 5: Khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
Còn nếu xét theo cơ cấu nợ, có hai nhóm giải pháp cơ cấu nợ phổ biến là điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và Gia hạn nợ. Trong đó, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là thay đổi kỳ hạn trả nợ gốc và lãi trong phạm vi giới hạn trả nợ đã thỏa thuận trước đó sẽ có rủi ro thấp hơn so với gia hạn nợ là kéo dài thời gian ngoài thời hạn đã thỏa thuận theo yêu cầu của bên vay để người có nghĩa vụ thực hiện trả nợ!
Và khi xác định nhóm nợ dựa theo cơ cấu nợ sẽ được tính như sau:
- Nhóm 1: Khoản nợ trong hạn
- Nhóm 2: Khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu còn trong hạn
- Nhóm 3: Khoản nợ gia hạn nợ lần đầu còn trong hạn
- Nhóm 4: Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn đến 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai còn trong hạn;
- Nhóm 5: Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai; Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.
Phương pháp định tính phân loại các nhóm nợ như sau:
- Nhóm 1: Khoản nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn
- Nhóm 2: Khoản nợ có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi nhưng có dấu hiệu suy giảm về khả năng trả nợ.
- Nhóm 3: Không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn, có khả năng tổn thất.
- Nhóm 4: Có khả năng tổn thất cao.
- Nhóm 5: Không còn khả năng thu hồi, có khả năng mất vốn cao.
Tỷ lệ nợ xấu (Non-performing loan ratio – NPL) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ những khoản nợ khó đòi và có thời hạn quá hạn lớn, được xem là khó có khả năng thu hồi. Cụ thể, nó là các khoản ngân hàng cho khách hàng vay nhưng khi tới hạn thu hồi, ngân hàng không thể đòi được vì khách hàng làm ăn thua lỗ, đóng cửa hoặc lý do nào đó dẫn tới mất khả năng thanh toán.
Thời hạn dành cho các khoản nợ sẽ khác nhau và thời hạn thường gặp dành cho những khoản vay ngắn hạn là 90 – 180 ngày. Công thức tính tỷ lệ nợ xấu là lấy tổng nợ xấu chia cho tổng dư nợ.
Tỷ lệ nợ xấu sẽ phản ánh chất lượng và mức độ rủi ro của danh mục cho vay mà các ngân hàng có, cũng như số lượng đồng nợ xấu trên tổng số 100 đồng cho vay.
Và khi tỷ lệ này cao hơn so với trung bình ngành và có xu hướng tăng lên thì có thể đây là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc quản lý chất lượng khoản cho vay. Ngược lại, nếu tỷ lệ này thấp so với những năm trước thì tức là chất lượng của các khoản tín dụng được cải thiện. Hoặc cũng có thể là ngân hàng có chính sách xóa những khoản nợ xấu hay thay đổi cách phân loại nợ.
Tỷ lệ nợ xấu được “sinh ra” để sử dụng cho những mục đích riêng của nó:
- Các nhà phân tích tài chính thường dùng tỷ lệ nợ xấu để so sánh chất lượng danh mục cho vay giữa các ngân hàng. Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao có thể dẫn tới thất bại của ngân hàng.
- Các nhà kinh tế thường sử dụng để kiểm tra tỷ lệ nợ xấu, qua đó dự đoán bất ổn tiềm ẩn trên thị trường tài chính.
- Các nhà đầu tư nên biết tỷ lệ nợ xấu để chọn nơi đầu tư tiền của mình. Họ sẽ xem những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp là khoản đầu tư có rủi ro thấp hơn so với ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao.
2.2. Câu chuyện về Nợ xấu gia tăng – Bất động sản có căng thẳng?
2.2.1. Có 2 điểm mà bạn phải lưu ý về câu chuyện nợ xấu ngân hàng
2.2.1.1. Tỷ lệ nợ xấu đang tăng bằng lần chứ không đơn giản chỉ là vài %
Theo cập nhật mới nhất từ những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3 năm 2022, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận xu hướng nợ xấu gia tăng sau 9 tháng đầu năm nay. Đáng chú ý là, nợ nhóm 5 tăng bằng lần khiến nợ xấu càng trở nên xấu hơn.
Khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng gia tăng thì khả năng tiếp cận vốn của khách hàng do lãi suất và điều kiện vay vốn sẽ trở nên khó khăn hơn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới sự lưu thông dòng vốn vào sự phát triển của nền kinh tế.
Tỷ lệ nợ xấu càng cao thì nguy cơ ảnh hưởng tới dòng vốn của các ngân hàng thương mại càng lớn. Đây là nguyên nhân chính kiềm chế sự lưu thông của tín dụng ở trong nền kinh tế.
Tỷ lệ nợ xấu cao chính là biểu hiện cho thấy chất lượng cho vay thiếu hiệu quả. Hoạt động tín dụng đạt kết quả thấp sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, giới hạn sự phát triển của hoạt động tín dụng, tác động xấu đến uy tín của ngân hàng và hạ thấp năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
Với tỷ lệ nợ xấu, bên cạnh việc đánh giá các tổ chức tín dụng và ngân hàng thì thông qua chỉ số này có thể xem xét thực trạng của nền kinh tế, cũng như người vay ở nhiều phương diện trên cơ sở khách quan lẫn chủ quan.
Nợ xấu là vấn đề mà các ngân hàng thương mại quan ngại nhất. Nó ảnh hưởng tiêu cực tới ngân hàng trên nhiều phương diện nên các ngân hàng rất quan tâm tới việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất có thể.
2.2.1.2. Tỷ lệ nợ xấu bất động sản ngày càng tăng cao trong khi tỷ lệ bao phủ giảm dần
Theo báo cáo mới đây của những tổ chức nghiên cứu uy tín trong nước mà chúng tôi thống kê được thì dù thấp hơn so với thời điểm trước dịch, nhưng tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đã tăng mạnh trong quý 3 năm 2022, cũng là quý tăng thứ 4 liên tiếp và đạt mức 1,6% nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng. Sự gia tăng này chủ yếu bắt nguồn từ những khoản nợ có khả năng mất vốn đã tăng mạnh hơn 30.000 tỷ (khoảng 70%) so với hồi đầu năm nay. Trong khi đó, tính đến cuối quý 3 năm 2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm còn khoảng 141%.
Nếu nhìn vào số liệu dư nợ tín dụng NHNN vừa công bố, khó khăn hiện nay của thị trường BĐS chưa hẳn do thiếu vốn. Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng và không có dòng tiền quay vòng vốn.
Do đó, giải pháp phù hợp lúc này là cần phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, còn nếu cho các doanh nghiệp huy động thêm tiền từ vốn tín dụng, phát hành trái phiếu mà vẫn không bán được hàng thì tỷ lệ nợ sẽ tăng và sức ép tài chính sẽ càng lớn hơn. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản cũng là sự thanh lọc cần thiết để thị trường trở nên lành mạnh hơn.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ kiểm soát chặt hơn tín dụng với các lĩnh vực rủi ro, gồm cả bất động sản, dẫn đến chủ thể kinh doanh ngành này khó tiếp cận vốn tín dụng, từ đó ảnh hưởng tới thị trường chung. Thực tế cho thấy, bài học nợ xấu tăng mạnh vì đẩy vốn ồ ạt vào bất động sản trước đây đã để lại hệ quả nặng nề và đến nay vẫn chưa giải quyết hết, mặc dù đã có Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu.
Mặc dù tín dụng và giá trị trái phiếu phát hành đều giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng trong dài hạn, rủi ro nợ xấu lĩnh vực bất động sản vẫn tiềm ẩn khi áp lực đáo hạn trái phiếu đã lộ rõ và “nút thắt” thanh khoản chưa được tháo gỡ.
Tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào lĩnh vực bất động sản mà không tập trung cho những lĩnh vực kinh doanh sản xuất khác cũng sẽ tạo rủi ro lớn, tác động trọng yếu đến an toàn hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Khi nợ xấu tăng cao có thể gây ra sự đổ vỡ ngân hàng và đe dọa an ninh tài chính quốc gia, cũng như sự ổn định của cả nền kinh tế vĩ mô. Vì vậy, việc nhận diện, đo lường và xử lý nợ xấu là những vấn đề quan trọng trong việc giữ hệ thống tài chính ổn định, an toàn, bền vững. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng không thể tự xử lý trên cơ sở quy định hiện hành mà phải có chính sách và cơ chế đặc thù của nhà nước.
2.2.2. Trong dài hạn, cần phải làm gì để xử lý nợ xấu được triệt để và hữu hiệu trong thực tiễn?
Với đặc thù không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu cùng với quá trình xây dựng và phát triển đất nước sẽ khó tránh khỏi việc hình thành nợ xấu trong nền kinh tế, nên giải pháp trong dài hạn có lẽ là:
2.2.2.1. Cần xây dựng Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ kế thừa trên hệ thống những văn bản luật hiện hành kết hợp với bối cảnh của thực tiễn, từ đó mới tạo hành lang pháp lý đồng bộ và toàn diện cho xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều này cần nhiều thời gian để nghiên cứu và đánh giá.
2.2.2.2. Cần phải xây dựng hệ sinh thái xử lý nợ xấu
- Hoàn thiện chính sách để thị trường nợ xấu đi vào cuộc sống;
- Gia tăng lực lượng tham gia thị trường mua – bán nợ, nhất là có chính sách cởi mở thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua các sàn giao dịch.
Việc hình thành sàn giao dịch nợ xấu sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bên mua và bên bán thông qua cơ chế đăng ký, cung cấp, bảo mật thông tin, nhất là thông qua các nhà môi giới chuyên nghiệp – đội ngũ nắm giữ những thông tin cần thiết liên quan tới hàng hóa của thị trường, đầu mối sắp xếp cho bên bán, bên mua gặp nhau để thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, điều kiện đầu tiên và tiên quyết để hình thành sàn giao dịch nợ xấu là phải có hành lang pháp lý đồng bộ.
2.2.2.3. Tạo cơ sở cho nền tảng giao dịch nợ xấu, chứng khoán hóa nợ xấu, giao dịch thứ cấp/cấp ba, cung cấp cơ chế thanh lý nợ xấu hiệu quả trong lĩnh vực tài chính
Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp những dịch vụ hỗ trợ thị trường nợ xấu như cung cấp dịch vụ xử lý nợ, pháp lý, định giá, kế toán, thuế…
Các nhà đầu tư thường thực hiện mua bán nợ có thỏa thuận chuyển nợ thành vốn góp và tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, phương pháp mua bán nợ theo giá trị trường sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục với việc xử lý nợ xấu tại VAMC nhưng giúp huy động nguồn lực vào thị trường mua bán nợ xấu, có ý nghĩa to lớn đối với xã hội.
Câu chuyện cá nhân và tổ chức bị ngân hàng, tổ chức tín dụng phát mại bất động sản dùng để thế chấp khoản vay vì không đủ khả năng trả nợ không phải vấn đề xa lạ nhưng điều đáng nói ở đây là rất nhiều BĐS phải qua phát mại, phía ngân hàng chấp nhận cắt lỗ lại rơi vào trạng thái “ế khách”. Bởi vì đơn giản, dù là tổ chức, doanh nghiệp hay các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trên thị trường bất động sản cũng hiểu được rằng: Việc mua nhà đất phát mại ẩn chứa khá nhiều rủi ro. Đặc biệt, rủi ro này thường phát sinh khi mua nhà tịch biên từ chủ nhà cũ qua sự giới thiệu của ngân hàng. Nếu người mua làm việc với trực tiếp với chủ nhà có nghĩa là đang giao dịch với người không hoàn toàn sở hữu nhà đất bởi vì nó đang được thế chấp tại ngân hàng.
Tuy nhiên, Rich Nguyen cũng chia sẻ thêm với các bạn rằng: RỦI RO LÀ NGUỒN GỐC CỦA LỢI NHUẬN, LỢI NHUẬN LÀ PHẦN THƯỞNG CHO RỦI RO
Nếu bạn không biết về tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro của một giao dịch đầu tư bất động sản thì bạn chưa phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Hãy nhớ rằng, chưa bao giờ cơ hội có lợi nhuận mà không có rủi ro. Lợi nhuận và rủi ro luôn đi kèm với nhau. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn biết cách quản trị rủi ro để biến rủi ro thành cơ hội, thu về lợi nhuận gấp bội lần.
RỦI RO CAO THÌ LỢI NHUẬN CAO? ĐÚNG MỘT NỬA RỒI
Bạn có nghĩ rủi ro cao thì lợi nhuận cao, nếu đáp án của bạn là có thì đúng một phần hai rồi. Bời vì, rủi ro là nguồn gốc của lợi nhuận và lợi nhuận là phần thưởng cho rủi ro. Rủi ro cao thì lợi nhuận cao, nhưng khi rủi ro cao quá mức cần thiết thì lợi nhuận sẽ giảm xuống. Chính vì vậy lợi nhuận sẽ là tối đa khi rủi ro là tối ưu.
Điều cuối cùng mà Rich Nguyen khuyên các NĐT là hãy luôn luôn học hành bài bản để kiểm soát tốt công việc đầu tư của mình và đưa ra được những quyết định đúng vào thời điểm phù hợp nhất.
Và con người ta sinh ra xuất phát điểm là giống nhau, nhưng rồi cuộc đời có hơn nhau hay không thì đó là nhờ sự học mà ra.
—————-
Hãy follow và ấn theo dõi các nền tảng Rich Nguyen Academy để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị:
- Website: RICH NGUYEN
- Youtube : RICH NGUYEN
- Fanpage : Rich Nguyen Academy
- Facebook diễn giả: Rich Nguyen